Có thể khẳng định hà thủ ô là một dược liệu điều trị chứng rụng tóc và tóc bạc sớm tốt nhất hiện nay. Trong tự nhiên hà thủ ô có đến hai loại là hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng. Trong 2 loại đó thì hà thủ ô đỏ có dược tính cao hơn hà thủ ô trắng.

Sự khác biệt giữa Hà thủ ô trắng và Hà thủ ô đỏ

I. Hà Thủ Ô Trắng

1. Giới thiệu

Hà thủ ô trắng có tên khoa học là: Streptocaulon juventas. hoặc Tylophora juventas Woodf. Thuộc họ thiên lý: Asclepiadaceae

 

Đặc điểm hà thủ ô trắng

2. Đặc điểm nhận dạng

Cây thảo thuộc dạng cây leo, dài đến 2m hoặc hơn, thân màu nâu đỏ có nhiều lông, càng non càng nhiều lông. Lá mọc đối, mép nguyên lá hình lông chim, có nhiều lông. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Hoa màu nâu nhạt hoặc vàng tím, mọc thành xim ngắn. Quả gồm hai đại hình thoi.

3. Phân bố

Cây thường mọc hoang ở vùng đồi núi. Dùng rễ củ. Thu hoạch tháng 11-12.

4. Thành phần hóa học

Trong củ chứa nhiều tinh bột và tanin pyrogalic

5. Công Dụng

  • Hạ cholesterol huyết thanh: Dựa vào tư liệu tham khảo Tân Y học 5 – 6, 1972 cho thấy, các hoạt chất chứa trong hà thủ ô trắng có tác dụng hạ cholesterol huyết thanh. Nghiên cứu đã được chứng minh rõ trên mô hình gây cholesterol cao ở thỏ nhà. Bên cạnh đó, vị thảo mộc tự nhiên này còn có tác dụng làm giảm khả năng hấp thu cholesterol của ruột thỏ.
  • Phòng chống và giảm nhẹ xơ cứng động mạch: Cũng dựa vào Tư liệu tham khảo Tân Y học 5 – 6, 1972, thành phần Lecithin có tác dụng giảm xơ cứng động mạch
  • Tốt cho tim mạch: Thuốc giúp làm chậm nhịp tim, đồng thời tăng nhẹ lưu lượng máu động mạch, từ đó giúp bảo vệ cơ tim thiếu máu
  • Chống lão hóa: Thuốc giúp giữ tuyến ức của chuột nhắt già không bị teo mà vẫn giữ ở mức như chuột non. Tuy nhiên, vấn đề này cần nghiên cứu thêm
  • Tác dụng nhuận tràng: Theo Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược – Nhà xuất bản Khoa học xuất bản 1965, trang 345 – 346 cho thấy, hà thủ ô trắng sống có tác dụng nhuận tràng mạnh do chúng dẫn chất oxymethylanthraquinone, giúp làm tăng nhu động ruột
  • Kháng vi rút và khuẩn: Các hoạt chất chứa trong thuốc có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lî Flexner và trực khuẩn lao ở người. Ngoài ra, theo Học báo Vi sinh vật 8, 164, 1960, thuốc còn có công dụng ức chế vi rút gây cúm

Ngoài các tác dụng nêu trên, chiết xuất Hà Thủ Ô còn biết đến với vai trò chất ức chế ngăn ngừa tế bào ung thư. Bên cạnh đó, thuốc còn giúp làm tăng thị lực, chữa rắn cắn, giảm đau nhức xương khớp. Mặt khác, cũng giống như hà thủ ô đỏ, hà thủ ô trắng cũng giúp chống lão hóa, cải thiện tình trạng tóc bạc sớm và rụng.

Có nơi còn dùng củ và thân lá của cây để chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét. Có người còn dùng dây sắc lấy nước cho phụ nữ sinh đẻ thiếu sữa uống cho có thêm sữa. Cây lá cũng được dùng đun nước tắm và rửa để chữa lở ngứa. Người ta còn dùng củ chữa cơn đau dạ dày.

II. Hà Thủ Ô Đỏ

1. Giới thiệu

Hà thủ ô đỏ còn có tên là dạ giao đằng, dạ hợp, địa tinh, khua lình (dân tộc Thái), mằn năng ón (đồng bào Thổ)… Cây Hà thủ ô đỏ, có tên khoa học là Polygonum multiflorum thuộc họ Rau răm (Polygonaceae). Rễ củ phơi khô của cây Hà thủ ô đỏ (Radix Polygoni multiflori) được dùng làm thuốc

2. Đặc điểm nhận dạng

Là loại cây dây leo, sống lâu năm. Thân quấn, mọc xoắn vào nhau, mặt ngoài thân có màu xanh tía, nhẵn, có vân và có rễ phồng thành củ.

Lá mọc so le, có cuống dài. Phiến lá hình tim, dài 4 – 8cm, rộng 2,5 – 5cm, đầu nhọn, mép hơi lượn sóng, cả hạị mặt đều nhẵn. Hoa nhỏ, đường kính 2mm, mọc cách xa nhau ở kẽ lá. Hoa có 8 nhụy (trong số đó có 3 nhụy hơi dài hơn) với đầu nhụy hình mào gà.

Đặc điểm hà thủ ô đỏ

3. Phân bố

Thường mọc hoang ở các tỉnh miền núi từ Nghệ An trở ra, tập trung chủ yếu ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang. Hiện nay được trồng ở nhiều vùng phía Bắc và phía Nam, cây mọc tốt ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phú Yên, Bình Định.

4. Thành phần hóa học

Cây hà thủ ô đỏ chứa 1,7% anthraglycosid, trong đó có emodin, physcion, rhein, chrysophanol. Ngoài ra, trong hà thủ ô đỏ còn có chứa 1,1% protid, 45,2% tinh bột, 3,1% lipid, 4,5% chất vô cơ, 26,45g các chất tan trong nước, lecitin, rhaponticin (rhapontin, ponticin).

Khi chưa chế biến, thảo dược này có chứa 7,68% tannin; 0,25% dẫn chất anthraquinon tự do; 0,8058% dẫn chất anthraquinon toàn phần. Sau khi chế biến, còn 3,82% tannin; 0,1127% dẫn chất anthraquinon tự do; 0,2496% dẫn chất anthraquinon toàn phần.

5. Công dụng

Về công dụng thì chúng khác nhau rất nhiều, nếu Hà thủ ô đỏ được nhiều người sử dụng bởi công dụng của nó đối với người sử dụng tốt hơn nhiều so với Hà thủ ô trắng.

  • Giúp làm chống bạc tóc, làm đen tóc tự nhiên hiệu quả cao.
  • Hỗ trợ và điều trị bệnh suy nhược thần kinh
  • Sử dụng hà thủ ô đỏ giúp bổ máu
  • Có công dụng nhuận tràng, điều trị táo bón, bệnh đi ngoài ra máu
  • Sử dụng hà thủ ô đỏ thường xuyên giúp kéo dài tuổi thọ. Thực tế đã chứng minh, nhờ sử dụng dược liệu quý hiếm này mà gia đình nhà ông Hà Thủ Ô có tuổi thọ trung bình trên 100 tuổi

III. Phân biệt khác nhau giữa Hà thủ ô đỏ và Hà thủ ô trắng

Đặc điểm bên ngoài củ Hà thủ ô rất khó nhận biệt bởi rất giống nhau. Tên gọi phân biệt là do màu sắc của ruột củ Hà thủ ô. Củ Hà thủ ô trắng có ruột màu trắng trong khi ruột của củ Hà thủ ô đỏ là màu đỏ.

Củ Hà thủ ô đỏ ruột màu đỏ

Củ Hà thủ ô trắng có ruột màu trắng

1. Về đặc điểm cây

Hà thủ ô trắng là dạng dây leo, thân cành màu nâu đỏ hoặc nâu đỏ, có nhiều lông mịn, khi về già thì nhẵn dần. Toàn cây có nhựa mủ màu trắng như sữa. Lá mọc đối, phiến lá nguyên hình hình bầu dục, chóp lá nhọn, gốc lá tròn có lông. Hoa có màu nâu nhạt hoặc vàng tía mọc thành xim có rất nhiều lông. Quả đại tách đôi xếp ngang ra hai bên trông như đôi sừng bò, có nhiều lông. Hạt dẹt, có chùm lông mịn.

Hà thủ ô đỏ thân mềm dạng dây leo quấn với nhau, bên ngoài nhẵn có màu xanh tía. Lá mọc so le, cuống dài, hình tim, đầu nhọn. Cả hai mặt lá đều xanh, nhẵn. Hoa nhỏ, màu trắng mọc thành chùm, nhiều nhánh. Hà thủ ô đỏ có quả 3 cạnh, khô, không tự mở

2. Về đặc điểm củ

Màu sắc: Củ Hà thủ ô trắng có vỏ ngoài màu trắng xám, ruột bên trong màu trắng. Củ Hà thủ ô đỏ cỏ vỏ ngoài màu nâu đỏ, ruột bên trong có màu đỏ hồng, có lõi màu trắng.

Hình dạng: Củ Hà thủ ô trắng thuôn dài giống củ sắn đồng nai, trong khi củ Hà thủ ô đỏ lại ngắn và mập hơn giống củ khoai lang, có nhiều chỗ lồi lõm.

Miếng látmặt cắt ngang: Hà thủ ô đỏ có lớp vỏ ngoài bần màu nâu sậm, lớp bên trong màu nâu hồng có nhiều bột, ở giữa một số phiến có lõi gỗ to, một số phiến không có lõi tùy theo vị trí cắt, còn Củ hà thủ ô trắng khô chắc, thịt trắng, nhiều bột.

Ở dạng bột: Bột Hà thủ ô đỏ có màu nâu hồng đặc trưng, không mùi, vị đắng chát. Còn bột Hà thủ ô trắng thơm nhẹ, vị đắng chát.

Bột Hà thủ ô đỏ có màu nâu hồng đặc trưng

3. Về công dụng 

Hà thủ ô trắng không có tác dụng bồi bổ cơ thể như hà thủ ô đỏ.